Tổn thương não
Tổng quan về não bộ
Não bộ là trung tâm điều khiển cho mọi chức năng của cơ thể, não chịu trách nhiệm cho các hoạt động có ý thức (đi lại, nói chuyện) và các hoạt động vô thức (hô hấp, tiêu hóa). Não cũng kiểm soát suy nghĩ, lĩnh hội, lời nói và cảm xúc.
Bộ não khá yếu ớt, mặc dù được bảo vệ bởi tóc, da, hộp sọ và một lớp dịch đệm. Ngày xưa, sự bảo vệ này gần như là đầy đủ, cho đến khi chúng ta phát triển những cách mới di chuyển với tốc độ cao đầy nguy hiểm.
Tổn thương não, cho dù là kết quả của chấn thương nghiêm trọng đến hộp sọ hoặc chấn thương kín, đều có thể làm rối loạn một loạt các chức năng.
Chấn thương sọ não là gì?
Chấn thương sọ não (TBI) xảy ra khi một chấn thương bất ngờ gây tổn thương não. TBI có thể xảy ra khi đập đầu đột ngột và mạnh vào một vật thể, hoặc khi một vật đâm vào hộp sọ và đi vào mô não.
Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh ước tính khoảng 5,3 triệu người Mỹ phải sống chung với khuyết tật do chấn thương sọ não, dẫn đến hơn 50.000 người chết mỗi năm.
TBI xảy ra ở nam giới nhiều gấp đôi so với nữ giới. Tỷ lệ phát sinh cao nhất là ở những người từ 15 đến 24 tuổi và từ 75 tuổi trở lên.
Các nguyên nhân phổ biến nhất của TBI bao gồm các vụ tai nạn xe gắn máy, té ngã, hành động bạo lực và chấn thương do chơi thể thao. Rượu có liên quan đến một nửa các ca tổn thương não, ở người gây ra thương tích hoặc ở người bị thương.
Những người bị chấn thương tủy sống thường bị tổn thương não đi kèm. Điều này đặc biệt đúng đối với tổn thương vùng cổ cao hơn, nơi gần não hơn.
Tổn thương não xảy ra như thế nào?
Não được bao bọc trong khung xương của hộp sọ, là một chất sệt lơ lửng trong một dịch não tủy. Chất dịch này hoạt động như một lớp giảm chấn trong những cử động nhanh của đầu.
Não có thể bị tổn thương do hộp sọ bị nứt hoặc đâm xuyên (tai nạn xe cộ, té ngã hoặc trúng đạn), bệnh tật (độc tố thần kinh, nhiễm trùng, khối u, những bất thường trong quá trình trao đổi chất, v.v.) hoặc một chấn thương sọ não kín ví dụ như trường hợp hội chứng trẻ bị lắc hoặc đầu cử động nhanh đột ngột/ngừng đột ngột.
Mặt ngoài của hộp sọ nhẵn nhụi, nhưng mặt trong gồ ghề. Đây là nguyên nhân gây ra tổn thương đáng kể trong chấn thương sọ não kín, vì mô não bật lại bên trong hộp sọ trên các cấu trúc xương thô.
Khi bị chấn thương, tổn thương não có thể xảy ra tại thời điểm va chạm hoặc có thể phát triển sau này do sưng (phù não), máu tràn vào não (xuất huyết nội sọ) hoặc chảy máu quanh não (xuất huyết ngoài màng cứng hoặc dưới màng cứng).
Khi đầu bị đập bằng một lực đủ mạnh, thì bộ não quay và vặn trên thân não như một trục, khiến đứt gãy các đường truyền thần kinh thông thường và gây ra tình trạng mất ý thức. Nếu trạng thái mất ý thức này diễn ra trong một thời gian dài, thì người bị thương bị coi là đang hôn mê, gây ra sự gián đoạn tín hiệu thần kinh đi từ thân não đến vỏ não.
Chấn thương sọ não kín
Một chấn thương sọ não kín thường xảy ra mà không để lại biểu hiệu rõ ràng bên ngoài. Sự khác biệt giữa chấn thương kín và có vết thương có thể là đáng kể.
Chẳng hạn, một vết đạn găm vào đầu có thể phá hủy một vùng rộng lớn của não nhưng tác động có thể không đáng kể nếu khu vực đó không phải là một khu vực quan trọng.
Chấn thương sọ não kín thường dẫn đến tổn thương nhiều hơn và suy giảm thần kinh trên diện rộng, bao gồm:
- Tê liệt một phần hoặc toàn phần
- Vấn đề về nhận thức, hành vi và trí nhớ
- Tình trạng thực vật dai dẳng
Chấn động là một loại chấn thương sọ não kín; dù hầu hết mọi người hồi phục hoàn toàn sau chấn động, nhưng có bằng chứng cho thấy thương tích
Ảnh hưởng của tổn thương não
Mô của bộ não bị tổn thương có thể phục hồi theo thời gian. Tuy nhiên, một khi mô não đã chết hoặc bị phá hủy thì không có bằng chứng nào cho thấy sẽ có sự hình thành những tế bào não mới. Quá trình khôi phục lại thường tiếp tục ngay cả khi không có tế bào mới, khi đó những phần khác của bộ não đảm nhiệm chức năng của mô não đã bị phá hủy.
Tổn thương não có thể có ảnh hưởng nghiêm trọng và suốt đời đối với hoạt động thể chất và tinh thần, bao gồm mất ý thức, thay đổi trí nhớ và/hoặc tính cách, và tê liệt một phần hoặc toàn phần.
Các vấn đề hành vi phổ biến bao gồm:
- Có tính công kích trong lời nói và hành động
- Kích động
- Khó khăn trong học tập
- Nhận thức kém
- Thay đổi chức năng tình dục
- Bốc đồng
Hậu quả xã hội của TBI nhẹ, trung bình và nặng là rất nhiều, bao gồm nguy cơ tự tử, ly hôn, thất nghiệp lâu dài và lạm dụng chất gây nghiện cao hơn.
Chi phí hàng năm cho chăm sóc cấp tính và phục hồi chức năng ở Hoa Kỳ cho TBI là rất lớn: 9 tỷ đến 10 tỷ đô la.
Chi phí chăm sóc suốt đời trung bình cho một người bị TBI nặng là từ 600.000 đến 2 triệu đô la.
Phục hồi chức năng
Phục hồi chức năng bắt đầu ngay sau khi bị thương. Khi trí nhớ bắt đầu được khôi phục, tốc độ phục hồi thường tăng lên.
Tuy nhiên, có thể tồn tại nhiều vấn đề, bao gồm những vấn đề liên quan đến vận động, trí nhớ, chú ý, suy nghĩ phức tạp, lời nói và ngôn ngữ và thay đổi hành vi. Những người sống sót thường đối phó với trầm cảm, lo lắng, mất lòng tự trọng, tính cách thay đổi và trong một số trường hợp, không nhận thức được về những thiếu hụt của họ.
Phục hồi chức năng có thể bao gồm các bài tập nhận thức để cải thiện sự chú ý, trí nhớ và kỹ năng điều hành. Các chương trình này được cấu trúc, có hệ thống, hướng đến mục tiêu và liên quan đến học tập, thực hành và tiếp xúc xã hội.
Một số thực hành phục hồi chức năng cho TBI bao gồm:
- Sách trí nhớ và hệ thống phân trang điện tử để cải thiện các chức năng cụ thể và bù đắp cho sự thiếu hụt.
- Tâm lý trị liệu để điều trị trầm cảm và mất tự trọng.
- Thuốc điều trị rối loạn hành vi liên quan đến TBI. Một số loại thuốc có tác dụng phụ đáng kể và chỉ được sử dụng trong trường hợp bắt buộc.
- Sửa đổi hành vi để giảm các ảnh hưởng về tính cách và hành vi của TBI và nhằm luyện lại các kỹ năng xã hội
- Dạy nghề cũng được thêm vào nhiều chương trình phục hồi chức năng.
Theo Viện Y Tế Quốc Gia, những người mắc TBI và gia đình của họ có một vai trò không thể thiếu trong việc lập kế hoạch và thiết kế các chương trình phục hồi chức năng cá nhân hóa của họ.
Nghiên cứu
Tổn thương não khác nhau, tùy thuộc vào phần nào của não bị tổn thương.
- Một cú đánh vào vùng hồi hải mã gây mất trí nhớ.
- Tổn thương thân não giống như chấn thương tủy sống cao.
- Tổn thương hạch nền ảnh hưởng đến cử động, và tổn thương ở thùy trán có thể dẫn đến các vấn đề về cảm xúc.
- Tổn thương ở một số bộ phận của vỏ não ảnh hưởng đến lời nói và khả năng hiểu.
Tổn thương não cũng bao gồm nhiều quá trình sinh lý, bao gồm tổn thương tế bào thần kinh (sợi trục), đụng giập (bầm tím), khối máu tụ (cục máu đông) và sưng tấy. Và mỗi triệu chứng có thể cần được chăm sóc và điều trị chuyên khoa
Như trong đột quỵ, chấn thương tủy sống và các loại tổn thương thần kinh khác, thì tổn thương não không phải là một quá trình cô lập, nó là một sự kiện liên tục. Các đợt phá hủy có thể kéo dài nhiều ngày và thậm chí vài tuần sau thiệt hại ban đầu.
Với các phương pháp điều trị hiện có, các bác sĩ không thể chữa khỏi hoàn toàn tổn thương ban đầu, có thể bao gồm việc mất rất nhiều tế bào thần kinh.
Tuy nhiên, sự lây lan của tổn thương thứ cấp lên não có thể bị hạn chế. Các nhà khoa học đã nhắm đến một số yếu tố thứ cấp sau đây, bao gồm:
- Thiếu máu não (mất máu)
- Lưu lượng máu não và mức oxy thấp
- Giải phóng axit amin kích thích (tức là glutamate).
- Phù thũng do chết tế bào trong các mô bị thương.
Đã có nhiều thử nghiệm thuốc để kiểm soát một loạt các ảnh hưởng thứ cấp của chấn thương não, bao gồm độc tính glutamate (selfotel, cerestat, dexanabinol), tổn thương do canxi (nimodipine) và phá vỡ màng tế bào (tirilazad, PEG-SOD).
Các nghiên cứu lâm sàng nhỏ hơn đã điều tra việc sử dụng hóc-môn tăng trưởng, thuốc chống co giật, bradykinin (tăng độ thẩm thấu của mạch máu) và áp lực tưới máu não (tăng lưu lượng máu đến não).
Một số nghiên cứu đã thử nghiệm tác dụng của tình trạng hạ thân nhiệt (làm mát) cấp tính sau tổn thương não. Mặc dù có các đơn vị chăm sóc chuyên sâu áp dụng làm mát, không có khuyến nghị cụ thể cho việc sử dụng điều này.
Dù các phương pháp điều trị khác nhau có vẻ hoạt động hiệu quả ở động vật, nhưng những nghiên cứu lâm sàng đối với các thuốc bảo vệ thần kinh thường không thành công. Thay thế tế bào (tức là tế bào gốc) về mặt lý thuyết là có thể, nhưng hầu hết các nghiên cứu vẫn chưa tiến tới thử nghiệm trên người.
Nói một cách chắc chắn, não bị tổn thương có một số khả năng phục hồi. Như các nhà khoa học đã nói, não có tính “khả biến”. Sử dụng các yếu tố tăng trưởng thần kinh, cấy ghép mô hoặc các kỹ thuật khác, não có thể được khuyến khích tự sửa đổi lại và có khả năng phục hồi chức năng.
Can thiệp cũng có thể hiệu quả hơn vào những thời điểm nhất định. Có thể sẽ sử dụng một loạt các loại thuốc có căn thời gian dùng thuốc, mỗi loại giải quyết các quá trình sinh hóa cụ thể sau khi bị tổn thương não.
Các nguồn lực
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm thông tin về chấn thương sọ não hoặc có thắc mắc cụ thể thì bạn có thể liên hệ với các chuyên gia thông tin của chúng tôi, làm việc các ngày trong tuần từ thứ Hai đến thứ Sáu, gọi miễn phí theo số 800-539-7309 từ 7 giờ sáng đến 12 giờ đêm theo giờ miền Đông (ET).
Nguồn: Viện Rối Loạn Thần Kinh và Đột Quỵ Quốc Gia, Trung Tâm Nguồn Lực về Tổn Thương Não