Hội chứng Guillain-Barré
Hội chứng Guillain-Barré là gì?
Hệ thần kinh bao gồm hai phần, Hệ Thần kinh Trung ương (CNS) bao gồm não và tủy sống và Hệ Thần kinh Ngoại vi (PNS) bao gồm tất cả các dây thần kinh khác trên toàn cơ thể. Hội chứng Guillain Barré (GBS) là kết quả sự tấn công của hệ thống miễn dịch của cơ thể lên các dây thần kinh ngoại vi của cơ thể. GBS không ảnh hưởng đến CNS, vì vậy tư duy không bị ảnh hưởng.
Sự tiến triển của Hội chứng Guillain Barré là do sai lầm của hệ thống miễn dịch trong việc xác định mô thần kinh ngoại vi bình thường là ngoại lai. Nguyên nhân của lỗi này không rõ ràng. Sự tấn công vào các dây thần kinh ngoại vi gây ra tổn thương tới myelin (chất trắng dính bao bọc dây thần kinh.) Trong một số trường hợp, myelin bị phá hủy dẫn đến tổn thương trực tiếp cho sợi thần kinh. Một giả thuyết cho phản ứng tự miễn dịch là cho rằng các sợi thần kinh ngoại vi có thể bị tấn công vì chúng có thể có một số đặc điểm giống với vi khuẩn hoặc virus.
Một số người tin rằng nguyên nhân của Hội chứng Guillain Barré có thể là do nhiễm trùng khoảng sáu tuần trước khi có các triệu chứng gây ra phản ứng tự miễn dịch (nơi hệ thống miễn dịch tấn công mô cơ thể bình thường). Khoảng 2/3 số người xuất hiện hội chứng GBS cho biết có tiền sử nhiễm khuẩn đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa hoặc nhiễm virus Zika trong vòng sáu tuần đó. Một số virus cụ thể đã được xác định là có liên quan tới GBS bao gồm Campylobacter jejuni, cytomegalovirus (CMV), Mycoplasma pneumonia, virus Epstein-Barr và virus cúm. Các tác nhân hiếm gặp khác đối với GBS bao gồm phẫu thuật hoặc các bệnh khác. Nguyên nhân chính xác của Hội chứng Guillain Barré vẫn chưa được xác định.
Hội chứng Guillain Barré xảy ra qua hai giai đoạn Giai đoạn cấp tính xảy ra khi các triệu chứng đang phát triển. Sau đó có một giai đoạn ổn định. Giai đoạn phục hồi bắt đầu khi các triệu chứng bắt đầu giảm bớt. Trong giai đoạn cấp tính, các triệu chứng lan dần lên (đi lên phía trên) cơ thể. Trong giai đoạn phục hồi, các triệu chứng giảm bớt dần theo hướng xuống dưới (đi xuống phía dưới) cơ thể đôi khi hoàn toàn và đôi khi một phần.
Trong khoảng mười phần trăm số ca bệnh, GBS xảy ra theo hướng đảo ngược. Đối với trường hợp GBS đảo ngược, các triệu chứng xuất hiện theo hướng đi xuống phía dưới cơ thể, bắt đầu ở mặt, với các điểm đau lan xuống phía dưới (di chuyển xuống dưới) cơ thể thay vì đi lên. Giai đoạn phục hồi của GBS đảo ngược diễn ra với việc các triệu chứng giảm dần theo hướng đi lên phía trên cơ thể.
Hội chứng Guillain Barré ảnh hưởng đến cả dây thần kinh vận động và dây thần kinh cảm giác của cơ thể. Các triệu chứng đầu tiên của GBS bắt đầu là yếu, đau, tê và ngứa ran thường xuất hiện nhất ở bàn chân và bàn tay. Các triệu chứng xuất hiện tương đương ở cả hai bên cơ thể. Yếu thường được ghi nhận ở chân, với việc giảm khả năng đi lại hoặc leo cầu thang. Đau đôi khi gặp ở người lớn. Đau rõ ràng hơn ở trẻ em và có thể khiến trẻ không chịu đi.
Khi Hội chứng Guillain Barré tiến triển nặng hơn, các cơ của cơ thể trở nên yếu dần dần và phát triển thành chứng liệt mềm. Do sự gián đoạn của lớp phủ myelin, các thông điệp không thể được truyền đi một cách hiệu quả. Nếu cơ hô hấp bị ảnh hưởng, có thể cần hỗ trợ bằng thở máy để duy trì hô hấp. Hệ thống thần kinh tự chủ (ANS), các chức năng của cơ thể được điều khiển tự động bởi hệ thống thần kinh, có thể bị ảnh hưởng, gây ra các vấn đề về tim như nhịp tim chậm hoặc không đều và thay đổi huyết áp.
Sự tiến triển của GBS bắt đầu trong vài giờ hoặc vài ngày. Các triệu chứng tiến triển rất khác nhau giữa mọi người. Một số người sẽ tiến triển triệu chứng rất nhanh còn một số người khác thì lâu hơn. Hội chứng Guillain Barré có thể tiến triển trong vài giờ đến bốn đến sáu tuần trước khi ổn định. Các triệu chứng đạt đỉnh điểm trong khoảng hai tuần đối với hầu hết mọi người. Sau ba tuần, 90% số người bị ảnh hưởng đạt đến đỉnh điểm của triệu chứng. Đối với một số người bệnh, quá trình bình ổn có thể kéo dài đến bốn tuần.
Quá trình phục hồi cũng rất khác nhau. Quá trình phục hồi có thể diễn ra nhanh chóng nhưng nhiều khả năng quá trình phục hồi có thể mất từ sáu đến mười hai tháng. Đối với một số người, quá trình phục hồi có thể mất đến ba năm. Phục hồi có thể hoàn toàn hoặc một phần.
Một số người hồi phục hoàn toàn khỏi GBS. Với những người khác, có thể vẫn còn một số thiếu hụt về chức năng và đòi hỏi thiết bị thích ứng để cải thiện chức năng. Có thể cần các kỹ thuật mới để thực hiện các hoạt động hàng ngày.
Cũng có khả năng có một số thiếu hụt chức năng mà các nhóm cơ khác có thể điều chỉnh để đáp ứng cho những thay đổi này. Tuy nhiên, khi quá trình lão hóa xảy ra, sự điều chỉnh bù đắp thiếu hụt này có thể không duy trì được chức năng bình thường. Đôi khi, một số ít cá nhân sẽ bị suy giảm khả năng tổng thể, điều này khiến cho những thiếu hụt chức năng còn sót lại trở nên dễ thấy hơn.
Một số rất nhỏ các cá nhân bị GBS bị tái phát các triệu chứng. Tình trạng này có thể nghiêm trọng tương đương hoặc ít nghiêm trọng hơn so với lần mắc bệnh đầu tiên.
Guillain Barré được đặt tên theo tên các chuyên gia thần kinh học người Pháp, những người lần đầu tiên mô tả về hội chứng này vào năm 1916. Các bác sĩ này là Georges Guillain, Jean Alexandre Barré và André Strohl. Một số người gọi hội chứng này là Guillain Barré Strohl. Các tên gọi khác của Hội chứng Guillain Barré là liệt Landry và viêm đa dây thần kinh do nhiễm trùng.
Được sử dụng với sự cho phép của Mayo Foundation dành cho Giáo dục và Nghiên cứu Y tế, bảo lưu mọi bản quyền.
Các loại của Hội chứng Guillain Barré
Có các loại và nhánh phụ cụ thể của GBS. Các lựa chọn điều trị có thể phụ thuộc vào loại hội chứng GBS xảy ra.
Bệnh Viêm Đa Dây thần kinh Cấp Kèm Hủy Myelin (Acute Inflammatory Demyelinating Polyneuropathy – AIDP): Lớp phủ myelin của dây thần kinh bị hư hại dẫn đến việc truyền tín hiệu thần kinh kém.
Bệnh Sợi Trục Thần kinh Vận động Cấp (Acute Motor Axonal Neuropathy – AMAN): Lớp phủ myelin và các sợi thần kinh vận động (sợi trục) bị hư hại dẫn đến việc truyền dẫn kém hoặc không có tín hiệu thần kinh để vận động và phản xạ nhưng chức năng cảm giác vẫn còn.
Bệnh Sợi Trục Thần kinh Vận động – Cảm giác Cấp (Acute Motor-Sensory Axonal Neuropathy – AMSAN): Lớp phủ myelin, các sợi thần kinh vận động và cảm giác (sợi trục) bị hư hỏng dẫn đến việc truyền dẫn kém hoặc không có các tín hiệu thần kinh cho chức năng vận động và cảm giác.
Hội chứng Miller-Fisher: Đây là biến thể hiếm gặp của hội chứng Guillain-Barré có các triệu chứng phối hợp cơ bất thường với khả năng giữ thăng bằng kém và đi lại vụng về do yếu cơ, yếu hoặc liệt cơ mắt, không có phản xạ gân và suy hô hấp. Có một loại kháng thể duy nhất. Hội chứng này cũng có thể xảy ra sau một bệnh do virus.
Bệnh Rối loạn Toàn thể Thần kinh Thực vật Cấp (Acute Pandysautonomic Neuropathy – APN): APN ảnh hưởng đến hệ thần kinh tự chủ và bao gồm bệnh não (tổn thương hoặc bệnh của não) nhưng không bao gồm vận động hoặc cảm giác. Các triệu chứng bao gồm hạ huyết áp tư thế đứng (huyết áp thấp), không có khả năng đổ mồ hôi, đồng tử không hoạt động, giảm tiết nước mắt và nước bọt, rối loạn chức năng tiêu hóa và suy giảm chức năng tình dục và tiết niệu.
Rối loạn thần kinh ngoại vi liên quan:
Bệnh Viêm Đa Dây thần kinh Mãn tính Kèm Hủy Myelin (Chronic Inflammatory Demyelinating Polyneuropathy – CIDP): CIDP bao gồm sự suy yếu dần dần ở một số lượng lớn các nhóm thần kinh trong nhiều năm. Đây được cho là một dạng GBS mãn tính.
Bệnh Thần kinh Vận động Đa Ổ (Multifocal Motor Neuropathy – MMN): MMN ảnh hưởng đến nhiều cơ ở một phần của cánh tay hoặc chân (số lượng nhóm dây thần kinh nhỏ hơn), thường là ở một bên của cơ thể.
Các Triệu chứng của Hội chứng Guillain Barré
Guillain Barré là một hội chứng vì nó bao gồm một nhóm các triệu chứng thường xảy ra cùng nhau. Các triệu chứng có thể là tất cả hoặc một số triệu chứng sau:
- Cảm giác châm chích, như kim châm ở ngón chân và cổ chân hoặc ngón tay và cổ tay của bạn
- Đau dữ dội, có thể cảm thấy nhức nhối, giống như bị trúng đạn hoặc chuột rút và có thể tồi tệ hơn vào ban đêm
- Yếu cơ ở chân lan lên phần trên cơ thể
- Thiếu phối hợp và không vững nhất là khi leo cầu thang hoặc đi bộ
- Khó kiểm soát chức năng bàng quang, tiêu hóa và ruột
- Gặp khó khăn với các cử động trên khuôn mặt, bao gồm nói, nhai hoặc nuốt
- Khó thở
- Khó cử động hoặc không có khả năng cử động mắt, gặp các vấn đề về thị lực như song thị
- Nhịp tim bất thường hoặc nhanh
- Huyết áp thấp hoặc cao
Chẩn đoán Hội chứng Guillain Barré
Các triệu chứng của GBS có thể tương tự như một số vấn đề thần kinh khác. Dấu hiệu nhận biết của GBS là các triệu chứng xuất hiện đồng thời ở cả hai bên cơ thể và khởi phát nhanh chóng. GBS thường xuất hiện trong vài giờ không giống như các vấn đề thần kinh khác, khi mà các triệu chứng tiến triển trong nhiều tháng.
Khám Thể chất. Điều quan trọng là phải thông báo tất cả các triệu chứng của bạn cho nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc phòng cấp cứu khi khám sức khỏe để hỗ trợ chẩn đoán. Các triệu chứng bao gồm yếu và thay đổi cảm giác như tê, ngứa ran và đau. Bạn sẽ cần phải đề cập đến thời điểm các triệu chứng này bắt đầu, chúng bắt đầu ở bàn chân và cẳng chân, bàn tay và cánh tay hay cả hai. Khởi phát trong vòng vài giờ đến bốn tuần với các triệu chứng tương đương ở cả hai bên cơ thể là dấu hiệu của GBS.
Khi khám sức khỏe, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ tiến hành kiểm tra thần kinh bao gồm đánh giá phản xạ gân sâu bằng cách sử dụng búa thử phản xạ ở mặt sau của mắt cá chân, đầu gối, cổ tay, khuỷu tay và các vị trí khác. Không có hoặc giảm phản xạ gân sâu là một dấu hiệu của GBS.
Trong bệnh sử của mình, bạn hãy nhớ đề cập nếu đã từng bị bệnh do virus đặc biệt là trong vòng sáu tuần qua, tiêu chảy, phẫu thuật hoặc các vấn đề y tế bất thường khác.
Chọc dò thắt lưng hay chọc dò tủy sống cùng với phân tích dịch tủy sống. Trong quy trình vô trùng này, bạn sẽ được yêu cầu nằm nghiêng với đầu gối để trước ngực hoặc nếu bạn có thể, hãy ngồi với đầu gối để trước ngực. Điều này mở ra khoảng trống giữa các đốt sống ở lưng của bạn. Một cây kim sẽ được đưa vào phần không gian bao quanh tủy sống giữa L3 và L4 (đốt sống thắt lưng thứ ba và thứ tư). Một lượng rất nhỏ dịch tủy sống sẽ được lấy ra và xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Một dấu hiệu của GBS là protein dịch não tủy tăng cao mà số lượng tế bào không tăng.
Nghiên cứu Dẫn truyền Thần kinh (Nerve Conduction Studies – NCS) được thực hiện bằng cách áp dụng một lượng nhỏ dòng điện vào một vùng của dây thần kinh để đánh giá mức độ truyền tải tín hiệu của dây thần kinh đó. Tín hiệu dẫn truyền chậm hoặc bất thường là dấu hiệu của GBS. Điện cơ đồ (EMG) đo lường mức độ hoạt động của cơ cũng có thể được thực hiện.
Điều trị Hội chứng Guillain Barré
Không có phương pháp điều trị dành cho GBS, nhưng có thể thực hiện hai liệu pháp để giúp giảm bớt các triệu chứng và rút ngắn quá trình tiến triển của hội chứng.
Trao đổi huyết tương (plasmapheresis). Trong liệu pháp này, máu của chính bạn thường được sử dụng. Máu (huyết tương) được tách khỏi các tế bào máu của bạn. Các tế bào máu của chính bạn được quay trở lại cơ thể, nhưng cơ thể bạn tạo ra nhiều huyết tương hơn để thay thế những huyết tương đã bị loại bỏ. Huyết tương mới phát triển được kỳ vọng không tấn công các dây thần kinh ngoại vi.
Liệu pháp miễn dịch (Immunoglobulin therapy). Máu từ người hiến tặng được truyền cho bạn. Máu chứa immunoglobulin (bao gồm cả các kháng thể khỏe mạnh) có thể ngăn chặn các kháng thể gây hại mà cơ thể bạn đang tạo ra. Điều này ngăn chặn sự tấn công lên các dây thần kinh ngoại vi dẫn đến GBS.
Các biện pháp tạo cảm giác thoải mái khác sẽ được cung cấp như thuốc để kiểm soát cơn đau và ổn định các chức năng bình thường của cơ thể.
Nếu tình trạng của bạn cần được hỗ trợ thở, thở máy sẽ được cung cấp. Hình thức thở máy sẽ được lựa chọn để phù hợp với yêu cầu cụ thể của bạn.
Hồi phục Sau Hội chứng Guillain Barré
Việc hồi phục sau hội chứng GBS có thể khác nhau giữa mọi người. Nguyên tắc chung cho việc phục hồi cũng giống như đối với chấn thương thần kinh ngoại vi, đó là những gì xảy ra trong GBS. Các dây thần kinh ngoại vi phục hồi một inch mỗi tháng. Sự phục hồi sau GBS phụ thuộc vào mức độ tổn hại đối với myelin và liệu có bao gồm tổn thương đối với các dây thần kinh ngoại vi hay không. Giống như khi GBS lan dần lên phía trên cơ thể trong giai đoạn cấp tính, hội chứng sẽ giảm dần xuống phía dưới theo cách tương tự trong quá trình hồi phục. Một số người sẽ hồi phục trong vòng ba tuần. Nhiều người sẽ phục hồi trong vòng sáu đến mười hai tháng. Vẫn có những người khác có thể mất đến ba năm để phục hồi.
Mặc dù hầu hết mọi người phục hồi sau khi mắc GBS, có 4-7% trường hợp tử vong. Hầu hết mọi người sống sau khi mắc GBS và 60-80% số người có thể đi bộ sau sáu tháng.
Không phải ai cũng phục hồi hoàn toàn. Các vấn đề tồn đọng có thể kéo dài ở khoảng 7-15% đến 40% số người đang trong quá trình hồi phục sau GBS. Các vấn đề tồn đọng điển hình của GBS bao gồm đau yếu liên tục, thiếu phản xạ, mất thăng bằng hoặc mất cảm giác. Các vấn đề về thần kinh như bàn chân rủ ở cả hai chân, suy yếu cơ ở bàn tay, mất khả năng phối hợp do giảm cảm giác đầu vào (mất điều hòa cảm giác) và có thể vẫn còn cảm giác đau, rát, ngứa ran hoặc hạn chế (rối loạn cảm giác).
Phục hồi chức năng đối với Hội chứng Guillain Barré
Trong giai đoạn cấp tính của GBS, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của bạn có thể sẽ được cung cấp trong phòng chăm sóc đặc biệt. Các chiến lược để duy trì chức năng và bảo vệ cơ thể của bạn sẽ được áp dụng. Điều này bao gồm việc chỉnh tư thế và quay người thích hợp, các bề mặt phân tán áp lực và một loạt các bài tập chuyển động. Nếu bạn gặp khó khăn khi nuốt hoặc ăn, dinh dưỡng sẽ được cung cấp thông qua đường tĩnh mạch hoặc cho ăn qua đường ống. Sức khỏe tinh thần của bạn sẽ được chăm sóc thông qua các liệu pháp hỗ trợ, trấn an và đánh lạc hướng.
Trong giai đoạn hồi phục, các liệu pháp điều trị chuyên sâu hơn sẽ được cung cấp để cải thiện chức năng và khả năng vận động. Bảo toàn năng lượng và đối phó với mệt mỏi sẽ là mối quan tâm của tất cả mọi người trong nhóm phục hồi của bạn khi bạn thực hiện các chức năng trở lại.
Một Bác sĩ Vật lý Trị liệu, một bác sĩ chuyên về y học thể chất và phục hồi chức năng, sẽ chỉ dẫn việc chăm sóc và các nhu cầu phục hồi của bạn.
Các Chuyên gia Vật lý Trị liệu sẽ cung cấp liệu pháp và hướng dẫn vận động và tăng cường sức mạnh để học cách xoay người, giữ thăng bằng, ngồi và đi bộ lần lượt trong quá trình hồi phục. Họ sẽ cung cấp thiết bị và biện pháp thích ứng để cải thiện và nâng cao khả năng phục hồi của bạn.
Các Chuyên gia Trị liệu bằng Phương pháp Vận động cung cấp liệu pháp cho các hoạt động sinh hoạt hàng ngày (ADL). Họ giúp kiểm soát vận động tinh, lập kế hoạch tập luyện để tắm và mặc quần áo, các biện pháp thích ứng phục vụ ăn uống, mọi thứ bạn cần để hỗ trợ cuộc sống hàng ngày của bạn.
Các Chuyên gia Bệnh học về Khả năng Nói và Ngôn ngữ sẽ hỗ trợ các kỹ năng ngôn ngữ và cải thiện khả năng nuốt.
Các y tá chính quy sẽ theo dõi tình trạng sức khỏe của bạn, cung cấp thuốc khi cần và đưa các chiến lược phục hồi vào lịch trình sinh hoạt hàng ngày của bạn. Họ cũng sẽ giúp khôi phục khả năng kiểm soát ruột và bàng quang. Các y tá sẽ hỗ trợ lập kế hoạch cho bạn xuất viện về nhà hoặc đến nơi chăm sóc dài hạn tạm thời, nếu cần.
Một Nhà tâm lý học sẽ giúp thích nghi với cuộc sống với chẩn đoán bệnh này. Họ sẽ làm việc với bạn để đảm bảo sức khỏe tinh thần của bạn được tốt.
Nhân viên Xã hội có thể hỗ trợ trong khi chuyển về nhà, đảm bảo bạn có những vật dụng cần thiết và nhà của bạn có những thiết bị cần thiết để bạn an toàn khi trở về nhà.
Hội chứng Guillain Barré và Chủng ngừa
Trước đây, đã có một số thảo luận về sự phát triển của GBS sau khi tiêm phòng cúm. Suy nghĩ này là do vắc-xin cúm lợn được đưa ra vào năm 1976 vì vắc-xin này được phát triển bằng cách sử dụng một loại mô không còn được sử dụng. Vắc-xin cúm lợn được phát triển bằng cách sử dụng mô não nhưng hiện giờ nó được phát triển trong trứng. CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh) đã nghiên cứu vấn đề này và nhận thấy rằng tỷ lệ GBS là 0 đến 1 hoặc 2 trường hợp trên một triệu người tiêm vắc-xin cúm, tương tự như tỉ lệ mắc bệnh trong dân số nói chung. Nguy cơ bị cúm và sau đó xuất hiện GBS là 17,2 phần triệu. Do đó, khả năng nhiễm GBS nếu bạn bị cúm sẽ cao hơn so với khi bạn chủng ngừa cúm.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng không có nguy cơ nào khác trong việc phát triển GBS khi tiêm bất kỳ loại vắc-xin nào sau đây: sởi, quai bị, rubella, HPV, não mô cầu liên hợp, bại liệt, phế cầu khuẩn, varicella, Hib, bệnh dại, uốn ván, bạch hầu, viêm gan A và viêm gan B. https://www.chop.edu/centers-programs/vaccine-education-center/vaccines-and-other-conditions/guillain-barre-syndrome
Thảo luận với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn xem liệu bạn có nên chủng ngừa cúm hay không nếu trước đây bạn đã từng bị GBS.
Nghiên cứu
Nhiều khía cạnh của Hội chứng Guillain Barré đang được nghiên cứu. Một lĩnh vực là khía cạnh miễn dịch là yếu tố kích hoạt hội chứng. Các nhà nghiên cứu đang xem xét lý thuyết nhiễm trùng như một yếu tố kích hoạt, tại sao hệ thống miễn dịch lại nhắm vào các dây thần kinh ngoại vi và làm thế nào để ngăn chặn điều này xảy ra. Sau khi hiểu lý do tại sao điều này xảy ra, có thể phát triển các giải pháp thay thế để ngăn chặn GBS. Cụ thể, khi mắc GBS, các kháng thể kháng ganglioside tăng cao trong máu. Những điều này ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển GBS và cách chúng có thể được kiểm soát đang được điều tra.
Ngoài ra, có một giả thuyết cho rằng một số biến dị di truyền có thể khiến một người dễ bị GBS hơn. Lý thuyết này cần thêm hỗ trợ để xác định các biến dị di truyền và lý do tại sao điều này có thể là nguyên nhân.
Các Thông tin và Số liệu
GBS ảnh hưởng đến khoảng một trên 100.000 người mỗi năm.
Bệnh Viêm Đa Dây thần kinh Cấp Kèm Hủy Myelin (AIDP) là dạng GBS phổ biến nhất ở Hoa Kỳ.
Nam và nữ đều bị ảnh hưởng như nhau.
GBS thường xảy ra hơn ở người lớn và người cao tuổi nhưng bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi đều có thể bị ảnh hưởng.
Trẻ em, những người hiếm khi phát triển Hội chứng Guillain-Barre, thường hồi phục hoàn toàn và nhanh chóng hơn người lớn.
Tỷ lệ hồi phục việc đi lại độc lập là khoảng 80% trong sáu tháng sau khi chẩn đoán.
Tỷ lệ hồi phục sức mạnh vận động là khoảng 60% một năm sau khi chẩn đoán.
Sự hồi phục chậm trễ hoặc không hoàn toàn xảy ra ở khoảng 5% đến 10% cá nhân.
Tái phát GBS xảy ra ở 2% đến 5% cá nhân.
Các Nguồn trợ giúp dành cho Người tiêu dùng
Nếu bạn đang tìm hiểu thêm thông tin về Hội chứng Guillain Barré hoặc có câu hỏi cụ thể, thì có thể liên hệ với các các chuyên gia thông tin của chúng tôi, làm việc các ngày trong tuần từ thứ Hai đến thứ Sáu, gọi miễn phí theo số 800-539-7309 từ 7 giờ sáng đến 12 giờ đêm theo giờ miền Đông (ET).
ĐỌC THÊM
Tài liệu tham khảo
Green DM, Ropper AH. Mild Guillain-Barré Syndrome. Arch Neurol. 2001;58(7):1098-1101. doi:10.1001/archneur.58.7.1098.
Haber P, Sejvar J, Mikaeloff Y, DeStefano F. Vaccines and Guillain-Barré syndrome. Drug Saf. 2009;32(4):309-23. doi: 10.2165/00002018-200932040-00005.PMID: 19388722 DOI: 10.2165/00002018-200932040-00005.
Hiraga A, Mori M. Recovery patterns and long term prognosis for axonal Guillain-Barré syndrome. Journal of Neurology Neurosurgery & Psychiatry, 2005, 76(5):719-22 DOI: 10.1136/jnnp.2004.051136.
Hiraga A, Mori M, Ogawara K, Kojima S, Kanesaka T, Misawa S, Hattori T, Kuwabara S. Recovery patterns and long term prognosis for axonal Guillain-Barré syndrome. J Neurol Neurosurg Psychiatry. 2005 May;76(5):719-22. doi: 10.1136/jnnp.2004.051136.PMID: 15834034 PMCID: PMC1739613 DOI: 10.1136/jnnp.2004.051136. March 01, 1997; 48 (3) ARTICLE
Ho TW, Li CY, Cornblath DR, Gao CY, Asbury AK, Griffin JW, McKhann GM. Patterns of recovery in the Guillain-Barre syndromes. Neurology, First published March 1, 1997, DOI: https://doi.org/10.1212/WNL.48.3.695
Hughes RAC, Cornblath DR. Guillain-Barré syndrome. Thelancet.com, Volume 366, November 5, 2005, 1653-1666. doi:10.1016/S0140-6736(05)67665-9.
Kusunokia S, Kaidab K, Uedaa M. Antibodies against gangliosides and ganglioside complexes in Guillain–Barré syndrome: New aspects of research. Biochimica et Biophysica Acta (BBA), Volume 1780, Issue 3, March 2008, Pages 441-444. https://doi.org/10.1016/j.bbagen.2007.10.001.
Tam CC, O’Brien SJ, Petersen I, Islam A, Hayward A, Rodrigues LC. Guillain-Barré Syndrome and Preceding Infection with Campylobacter, Influenza and Epstein-Barr Virus in the General Practice Research Database. Plos One, April 4, 2007 https://doi.org/10.1371/journal.pone.0000344.